Chống “sốc văn hóa”

Khó khăn lớn nhất của việc du học không phải là mức chi phí hay ngoại ngữ như chúng ta nghĩ mà là hội chứng “sốc văn hóa” – một vấn đề thường thấy khi bắt đầu cuộc sống mới ở một đất nước xa lạ.


Thế nào là “Sốc văn hóa”


“Tôi sang đây đã lâu không hiểu sao không thể có bạn được. Cảm giác ở phương xa không có ai để nói chuyện để chia sẻ mới thấy nhớ nhà kinh khủng. Không biết có thể chịu đựng đến bao lâu. Thấy cô đơn ghê gớm và chán nản lắm”. Vũ Tiến Minh  đang theo Du học Singapore chia sẻ.


Cùng chung cảnh ngộ là Minh Quang, Du học sinh Canada: “Khi còn ở Việt Nam tôi luôn mong thoát ly gia đình, nhưng lúc qua xứ người rồi tôi mới nhận ra tôi yêu cái nhà nhỏ của mình ở Việt Nam mà trước đây mình thấy ngột ngạt lắm. Tôi nhớ đường xá lúc nào cũng tấp nập, đông đúc người qua kẻ lại. Ban đêm ở phương xa vắng lặng, bất chợt thèm nghe một tiếng rao hàng giữa trời khuya”


Cô đơn nơi xứ người, không theo nổi chương trình học…là những cung trầm khiến nhiều du học sinh vỡ mộng “giấc mơ hoa” nơi xứ người. Mọi sự đổi thay trong cuộc sống đến cùng lúc, cộng với tâm trạng cô đơn và nhớ nhà đã tạo nên trạng thái tâm lý bất ổn, chán nản, thậm chí tuyệt vọng với một số du học sinh.


chong soc van hoa


Sốc văn hóa


Đó là “sốc văn hóa”


Khái niệm “Sốc văn hóa” – “culture shock” được đưa ra lần đầu tiên năm 1954 bởi nhà nhân loại học người Mỹ Kalvero Oberg (1901-1973). Theo đó, “sốc văn hóa” là thuật ngữ dùng để miêu tả trạng thái lo lắng và cảm giác ngạc nhiên, rối loạn, bối rối… khi một người nào đó tiếp xúc với một môi trường xã hội hay văn hóa khác biệt.


Sống và học tập trong một môi trường xã hội hoàn toàn mới, khác biệt về văn hóa, khác biệt về ngôn ngữ lối sống không phải bạn trẻ nào cũng thích nghi được ngay với điều kiện sống như vậy. Làm thế nào để vượt qua sự khó khăn ở giai đoạn đầu, nhanh chóng hòa nhập và đạt được kết quả học tập tốt nhất? Hãy cùng VSE chuẩn bị cho mình một hành trang đầy đủ để “sốc văn hóa” không còn là nỗi ám ảnh với bạn.



  • Tìm hiểu kỹ về nơi mình đến



Để sớm vượt qua “Sốc văn hoá” khi đến sống và học tập ở nước ngoài, những du học sinh cần tìm hiểu trước thật kỹ về văn hoá của đất nước mà mình sắp đến. Các tổ chức đưa học sinh du học hay tổ chức nhận nhập cư thường tổ chức các khoá học định hướng văn hoá nhằm giúp những du học sinh tìm hiểu về đất nước, con người và tập quán của người bản xứ. Dù vậy, những điều thu nhận từ các khoá học định hướng văn hoá vẫn chưa đủ, du học sinh cần tìm hiểu thêm qua những người đã từng sinh sống và học tập ở đất nước đó. Một nguồn thông tin khác là từ Internet hay sách báo khác. Càng hiểu kỹ về văn hoá nước sở tại thì mức độ và thời gian “sốc văn hoá” sẽ giảm đi rất nhiều và khả năng thích nghi sẽ nhanh hơn.



  • Hành trang không thể thiếu: Ngôn ngữ



“Bất đồng ngôn ngữ” cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến “sốc văn hoá”. Do đó, chuẩn bị thật tốt về ngôn ngữ để có thể giao tiếp tốt với người bản ngữ để tránh sự hiểu lầm do diễn đạt sai hay sự bực tức do không thể diễn đạt đúng ý nghĩ của mình bằng tiếng bản xứ.


Nhiều DHS cảm thấy hoang mang tột cùng, không nghe được ngoại ngữ, làm sao hiểu bài, thuyết trình trước lớp? Đối với DHS Ái Vân, Úc, trình độ anh văn 6.0 IELTS mà giáo viên nói gì cô cũng không hiểu. Ngày nào Ái Vân cũng ghi âm bài giảng trên lớp, tối về dù buồn ngủ díp cả mắt cô vẫn ráng rà băng nghiên cứu. Nhưng nghe hoài cũng không thấy sáng lên được gì.



  • Suy nghĩ tích cực



Hãy suy nghĩ lạc quan khi gặp khó khăn, vì phải vượt qua khó khăn thử thách chúng ta mới đi đến thành công. Hãy tự an ủi mình một cách tích cực, luôn nhớ rằng mình có mặt tại đây để học tập và tìm kiếm những cơ hội cho tương lai.


Cựu Du học sinh  Pháp Trần Ngọc Oanh chia sẻ bí quyết học tốt. Trong lớp học các bạn cần tự giác và chủ động đặt câu hỏi, nếu không các bạn sẽ mất cơ hội cạnh tranh với những sinh viên khác. Tâm lý sinh viên Việt mình thường rụt rè ngại hỏi vì sợ đồng môn đánh giá câu hỏi của mình ngô nghê. Song thực tế những câu hỏi rất đơn giản sinh viên nước ngoài nêu ra chẳng bị ai cười mà đó là minh chứng cho sự chủ động và tự tin trong học tập.


3. Kết bạn


Kết bạn là việc vô cùng quan trọng không chỉ ở nước mình mà cả khi sang nước bạn. Bạn nên kết bạn ở lớp học, trung tâm, khu mình sinh sống hay nơi làm thêm vì bạn bè sẽ là phao cứu sinh mỗi khi bạn gặp rắc rối. Kết bạn với du học sinh các nước khác để bạn bớt cô đơn và tìm hiểu được nhiều hơn về văn hóa, chính họ cũng có những bài học hữu ích để giúp đỡ bạn.


Minh Anh, Du học sinh Mỹ là rất chịu khó “ làm thân”. Lớp học của Minh Anh chỉ có mình bạn là người Việt. Nhưng quyết tâm không chịu buồn nên anh đã chủ động kết bạn, gặp ai cũng xởi lởi, bắt chuyện làm quen. Không chỉ thế, Minh Anh còn kết bạn qua mạng trên các diễn đàn DHS, nhiệt tình tham gia các hoạt động offline nên nỗi buồn không có chỗ chứa trong lòng anh. Minh Anh đúc kết kinh nghiệm của mình: “ trước lạ sau quen, không ngại, không ngượng. Các bạn mới qua cần hòa đồng với bạn bè trong lớp, vừa giúp mình vui vẻ, vừa luyện nghe nói tiếng Anh”.


Ngoài ra, các bạn nên mở rộng quan hệ với đồng hương, kiếm việc làm thêm sẽ khiến các bạn không còn hơi sức đâu cho nỗi buồn viễn xứ.


4. Thường xuyên giữ liên lạc với gia đình và bạn bè tại quê nhà.


Giữ liên lạc với gia đình, bạn bè qua những lá thư hay những dòng email se giúp bạn cảm thấy được chia sẻ, giảm bớt khó khăn khi sống xa nhà. Đó sẽ là động lực giúp du học sinh vượt qua những khó khăn. Những lời chia sẻ, an ủi từ gia đình, bạn bè sẽ khiến các bạn an tâm và luôn cảm thấy không lạc lõng trong môi trường mới.


Sốc văn hóa” là những khó khăn khi du học nhưng nó lại chính là động lực thôi thúc con người ta vượt qua khó khăn, rèn luyện và hoàn thiện bản thân. Do đó các bạn hãy chuẩn bị cho mình những biện pháp hữu hiệu nhất chống lại “sốc văn hóa” để bắt đầu hành trình du học, biến giấc mơ thành công của mình thành hiện thực.


Nguyễn Thủy – Duhocvietsing



Chống “sốc văn hóa”

0 nhận xét:

Đăng nhận xét