Du học Singapore: Du học sinh và những khó khăn khi về nước lập nghiệp

(Du học Singapore) Thực trạng du học sinh về nước thất nghiệp hay đang khó khăn trong tìm kiếm việc làm đang ngày càng lớn và trở thành nỗi băn khoăn của không ít du học sinh. Về hay ở lại, nếu về sẽ ra sao, cơ hội nghề nghiệp thế nào là trăn trở của hầu hết du học sinh và khi đã quyết định trở về, du học sinh lại phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thử thách trong quá trình lập nghiệp ngay chính quê hương của mình.


 


Vấn đề thu nhập và kỳ vọng về công việc


Thu nhập có thể coi là rào cản đầu tiên của du học sinh khi rải hồ sơ xin việc. Hầu hết các du học sinh đều có tâm lý mình là người có CV đẹp, bảng điểm đẹp, ngoại ngữ tốt, bằng cấp Quốc tế, kinh nghiệm thực tập ở nước ngoài… nên đòi hỏi mức lương quá cao so với mặt bằng chung. Bên cạnh đó, không ít sinh viên vì muốn nhanh chóng bù đắp khoản tiền lớn bỏ ra khi du học mà không nhìn vào tình hình thực tế ở Việt Nam. Nam Anh (Du học Singapore) chia sẻ “Tốt nghiệp Đại học ở Singapore, trở về nước, em đã rải hồ sơ ở rất nhiều công ty với mức lương mong muốn là 15 triệu đồng, nhưng không hiểu sao đến giờ em vẫn chưa nhận được hồi âm của bất cứ công ty nào”. Cùng với Nam Anh, rất nhiều du học sinh gặp phải tình trạng chung. So với mặt bằng chung mức lương của sinh viên sau khi ra trường ở Việt Nam, thường yêu cầu của du học sinh lớn hơn rất nhiều và trong tình trạng kinh tế khó khăn như hiện nay, hầu hết các ứng viên đó đều bị loại ngay từ vòng sơ tuyển.


Không chỉ là yêu cầu mức lương quá cao, các du học sinh khi rải hồ sơ xin việc đều kỳ vọng quá cao vào vị trí làm việc, rất nhiều người nộp đơn vào các vị trí cấp cao trong khi bản thân chưa hề có kinh nghiệm, chưa nắm bắt được tình hình thực tế ở Việt Nam.


Lời khuyên cho du học sinh trở về nước là hãy biết chấp nhận một vị trí xuất phát điểm thấp hơn và dần đi lên từ vị trí đó bởi với khả năng của mình, bạn hoàn toàn có thể làm được điều đó. Bạn cũng nên nhớ rằng, mức sống ở Việt Nam hoàn toàn khác so với các nước mà bạn vừa du học, mức chi tiêu cũng không hề đắt đỏ như các nước khác, mức thuế thu nhập cũng thấp hơn rất nhiều. Do đó, hãy chấp nhận một mức lương phù hợp hơn, khi bạn chứng minh được năng lực của mình, bạn không cần yêu cầu, các nhà tuyển dụng sẽ tự săn đón bạn với mức thu nhập hấp dẫn.


Cơ hội phát triển, sáng tạo


Môi trường làm việc chuyên nghiệp và sáng tạo là điều mà bất cứ du học sinh nào cũng mong muốn. Trở về từ một nền giáo dục tiên tiến, tác phong làm việc chuyên nghiệp, các du học sinh hầu hết đều bị sốc vì môi trường làm việc ở Việt Nam. “Đầu tiên là vấn đề giờ giấc, công ty mình bắt đầu làm việc từ 8 giờ nhưng ít nhất cũng phải 8 giờ 15 mọi người mới có mặt đông đủ. Hôm nào sếp đi công tác thì chị em tha hồ cà kê, có khi 9 giờ vẫn chưa đến. Mọi việc làm của mình đều bị xét nét, soi mói”. Nam Anh (Du học Singapore) chia sẻ thêm. Không chỉ vậy, không ít du học sinh khi về Việt Nam lập nghiệp đều phàn nàn họ không có cơ hội để phát triển, thử những cái mới. Quân (Du học Singapore) nói: “Mình đang tính bỏ việc, mọi kế hoạch phát triển của công ty đều bị sếp gạt phăng chỉ vì nó khác với cách làm truyền thống của công ty. Những thứ mình được học đều không thể ứng dụng ở đây”.


Tính ứng dụng vào thực tiễn Việt Nam


Không phải cứ cầm tấm bằng quốc tế về nước là sinh viên có thể bắt tay vào làm việc. Thực tế ở Việt Nam quá khác xa so với nước bạn đã du học, những kiến thức mà bạn được học cũng chưa chắc có thể ứng dụng vào Việt Nam. M. Linh (Du học SingaporeĐại học James Cook) cho biết: “Tốt nghiệp cử nhân môi trường, mong muốn trở về Việt Nam làm việc, cải thiện phần nào môi trường ở Việt Nam, nhưng những gì mình được học thì rất khó thực hiện, không chỉ bởi sự khác biệt về môi trường mà còn bởi nhiều vấn đề tế nhị khác: các thủ tục hành chính, kinh phí, vấn đề con người…”


Thực tế có rất nhiều du học sinh trở về bị sốc bởi không ngờ mình lại có thể khó hòa nhập đến thế. Họ thiếu hiểu biết về thực tế ở Việt Nam sau một khoảng thời gian học tập ở nước ngoài. Vì thế nếu bạn có ý định quay trở về, hãy chuẩn bị cho mình tâm lý vững vàng, hãy thường xuyên đọc báo, cập nhập tình hình ở Việt Nam để tránh cái nhìn bỡ ngỡ khi quay trở về.


Quay trở về để được gần gũi với gia đình, bạn bè, quay trở về là để đóng góp sức mình vào sự phát triển của đất nước nhưng quay trở về cũng là đối mặt với muôn vàn khó khăn, là hy vọng thành công mong manh. Nhưng dù quay về hay ở lại bạn sẽ có thể được cái này nhưng không hoàn hảo mặt kia. Vì thế dù đi hay ở bạn cũng nên phân tích và chuẩn bị kỹ tâm lý cho mình để không phí hoài những tháng năm miệt mài “tầm sư học đạo” nơi xứ người bạn nhé.



Du học Singapore: Du học sinh và những khó khăn khi về nước lập nghiệp

0 nhận xét:

Đăng nhận xét